[Q] Bánh mì ở Sài Gòn


Khi tôi còn nhỏ, Sài Gòn chỉ có loại bánh mì rỗng ruột. Tôi nhớ xe bánh mì gần ngã tư nhà tôi vào thời kì mà chỉ cần một nghìn đồng để mua được một ổ bánh mì tươm tất. Và đến bây giờ, để mua một bánh mì lề đường thì cũng ít nhất mười nghìn và giá có thể lên đến một trăm nghìn cho ổ bánh mì thương hiệu Subway tại Sài Gòn. Những xe bánh mì hồi ấy, xe nào cũng có một cái bếp than lửa thật nhỏ để ở dưới xe hoặc để ra ngoài. Mỗi khi có ai đến mua, một ổ bánh mì được chọn ra trong hàng loạt chiếc bánh được xếp ngay ngắn và đều đặn phía kính xe. Chiếc bánh được đặt trên lò than một chốc, trở đều 2 mặt cho nóng giòn. Khi mà cô bán bánh mì dùng một chiếc dao được mài dũa nhiều lần đến độ ngắn đi cả một nửa để xẻ thân ổ bánh mì ra, âm thanh rốp rốp thật vui và thằng dạ dày cũng hớn hở với âm thanh đó. Một trong những thứ không thể thiếu của bánh mì chính là pate. Pate phải mịn, phải béo, phải bùi. Một chiếc muỗng được cán dẹp đều 2 mặt tạo ra hình dạng như chiếc bay của anh thợ hồ trét xi măng. Chiếc muỗng ấy phục vụ cho việc trét đều pate trong ổ bánh mì. Sau đó, từng miếng chả lụa từng miếng thịt ba rọi được rải đều trên lớp pate. Ngày xưa, chả lụa và thịt ba rọi được xắt mỏng và nhỏ, rồi dùng tay xới cho bông lên tạo cảm giác rất nhiều. Chứ không như bây giờ, các loại thịt chả được cắt to bản xếp lớp trong ổ bánh và không cần tạo hiệu ứng gì vì người bán cho rất nhiều thịt và chả. Tôi còn nhớ mãi miếng thịt ba rọi, chỗ nào có nhuộm đỏ đỏ thì ăn mới thấy ngon cơ. Đúng là con nít! Điều thú vị và hấp dẫn của ổ bánh lại chính nhờ những món đi kèm chứ không phải do phần đạm không thôi. Không ổ bánh mì nào có thể thiếu đi một ít đồ chua kích thích vị giác, một ít hành ngò với mùi thơm không thể cưỡng lại. Đến cả một ít nước tương và một ít muối tiêu cũng khiến một người xa Sài Gòn như tôi nhớ đến day dứt. Rồi sau đó, ổ bánh mì sẽ được gói trong tờ giấy tập học sinh cũ kĩ và một cọng thun cho ổ không ớt, hai cọng thun cho ổ có ớt. Lúc nhỏ tôi không biết ăn cay. Đến khi lớn biết ăn cay rồi tôi mới thấy cắn ngay miếng ớt nó kích thích thế nào. Vị cay xè của ớt kết hợp với vị cay thơm của ngò thành ra những tiếng xuýt xoa và quan trọng hơn là phải cắn thêm miếng nữa chứ không dừng lại được. Đó là ổ bánh mì thông dụng nhất Sài Gòn. 

Sài gòn không chỉ có bánh mì chả bánh mì thịt. Chỉ mỗi khoản bánh mì thôi đã đa dạng như một tiệm bánh ngọt với đủ loại rồi. Sài Gòn có bánh mì ốp la, bánh mì heo quay, bánh mì thịt nướng, bánh mì nem nướng, bánh mì bò nướng, bánh mì xíu mại, bánh mì bì, bánh mì chả cá... Mỗi một loại thịt sẽ có một loại nước sốt riêng. Bánh mì thịt chả thì thường được dùng chung với nước sốt cà, loại mà hay dùng với xíu mại. Bánh mì thịt nướng và bò nướng có loại sốt sệt màu nâu, có thể gọi là tương, vị rất riêng. Bánh mì xíu mại thì dùng chính nước xíu mại hấp hoặc nước sốt cà. Bánh mì bì thì có nước mắm mỡ hành. Bánh mì chả cá thì dùng tương ớt. Bánh mì ở Sài Gòn nhiều thân thương và gần gũi. Đơn giản vì buổi sáng, trễ giờ làm, bánh mì là lựa chọn dễ dàng nhất và nhanh nhất.

Bánh mì heo quay nổi tiếng ở Sài Gòn thì không thể không nhắc đến một tiệm trên đường Trần Đình Xu. Nơi mà bạn có thể mua ổ bánh mì heo quay có da giòn rụm, thậm chí bạn yêu cầu bánh mì chỉ với da heo cũng có. Nơi đây cũng có món xá xíu khá ngon và rất nhanh hết hàng. Phố Tàu nơi tôi ở ngày xưa cũng có bán bánh mì xá xíu và heo quay. Ngày ấy, Sài Gòn chưa có bán bánh mì heo quay xá xíu nhiều như bây giờ. Xá xíu của xe bánh mì đó làm rất ngon. Họ có dùng nước thịt xá xíu pha với nước tương tạo ra một loại nước sốt riêng rất ngon. Những lúc mua bánh mì, tôi luôn cố nhón chân lên để nói với cô bán bánh mì là có thể chan cho tôi nhiều sốt hơn không. Và dĩ nhiên, ai tiếc gì đâu một ít nước tương cho một đứa bé. Cơ vậy mà, pate cũng là món tôi rất thích nhưng đi mua bánh mì xin thêm pate là còn lâu mới được nhé. 

Sài Gòn có bánh mì bò nướng Lan Huệ. Ngày nào, họ cũng dọn ra lúc bốn giờ rưỡi với cả thau bò băm được xiên sẵn chờ nướng. Mỗi ổ bánh mì được cho tận bốn năm xiên bò, chan một loại sốt đặc sệt như tương mà thiếu là không thể được. Họ còn có đồ chua rất ngon và tỏi ngâm nữa. Đó cũng là một trong những nơi bán bánh mì bò nướng ngon nhất tôi từng ăn. Thật ra, trước đó, tôi từng ăn bánh mì thịt nướng mà tôi nghĩ là ngon nhất đời rồi. Đó là loại thịt nướng mà người bán nặn hình tròn tròn như những đồng xu lớn, họ cũng nướng cũng chan ít tương đen tự chế và chút tương ớt. Tôi không nghĩ thịt ở những xe bán này lại chất lượng đâu. Nhưng nó là cả một thời học sinh của rất nhiều người. Học sinh mà, ngon và rẻ là được, sạch dơ thì chỉ có ba mẹ lo chứ các em đâu quan tâm. Nếu là con tôi, tôi sẽ vẫn cho ăn như thường, đơn giản nó là một kỉ niệm không thể thiếu trong thời học sinh đáng yêu đó. 

Một câu chuyện vui về bánh mì mà tôi còn nhớ mãi. Đó là tiệm bánh mì Huỳnh Hoa trên đường Lê Thị Riêng. Hồi tôi biết đến, Huỳnh Hoa chỉ là một xe bánh mì cứ tối đến lại đông người chờ mua ngay ngã 6 Phù Đổng. Được thời, xe bánh mì này dọn về căn nhà nhỏ trên đường Lê Thị Riêng. Đến đây, không khí làm việc rất rộn rịp vì họ nướng bánh mì tại chỗ, chuẩn bị thịt thà dưa hành cũng tại đây. Mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. Ăn ở đây nhiều lần nhưng sau này tôi mới nghe nói tiệm bánh mì này còn có tên là bánh mì Ô Môi. Tôi tuy ủng hộ hôn nhân đồng giới nhưng lúc đầu cũng không biết tiếng lóng Ô Môi là gì, được nghe người bạn giải thích tôi mới hiểu. Và dĩ nhiên, cũng có người không hiểu như tôi, nhưng cũng được giới thiệu(hay là bị dụ dỗ) về bánh mì Ô Môi nổi tiếng này. Thế là có thằng bạn mới quen hồn nhiên dừng xe cái xịch trước cửa tiệm hùng hồn gọi món “Cho một ổ bánh mì Ô Môi đặc biệt” mà không hiểu tại sao không gian thời gian như dừng lại, mọi ánh mắt đều dồn vào mình. Lúc nó kể tôi nghe, tôi đang ăn mà mém phun hết đồ ăn ra ngoài vì sặc cười. Chẳng hiểu sao nó toàn mạng trở về nữa. 

Bánh mì là một món thông dụng ở Sài Gòn nhưng chưa bao giờ nó được xem là rẻ tiền cả. Sài Gòn trải qua một quãng thời gian dài đóng cửa rồi mở cửa. Người dân Sài Gòn trải qua một thời gian dài nghèo khó khi mà cả hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch, chia nhau một khúc bánh mì tí teo. Những buổi ăn sang mà có một ít sữa Ông Thọ, ngồi xé miếng bánh mì chấm với tí sữa ăn thì đã gọi là sang là Tây lắm rồi. Để rồi khi Sài Gòn trở nên thịnh vượng, người ta giàu có hơn, ăn uống phủ phê hơn, nhưng chưa bao giờ quên đi món bánh mì. Vì đơn giản, bánh mì là quá khứ, hiện tại và cả tương lai cuộc sống của rất nhiều người ở Sài Gòn. 

Bánh mì nổi tiếng ở Sài Gòn: 
1. Bánh mì thịt nướng: 37 Nguyễn Trãi - bán chiều, ăn được không xuất sắc như báo ca ngợi. 
2. Bánh mì bò nướng Lan Huệ: 400 Lê Văn Sỹ - bán sau 4h30 
3. Bánh mì Huỳnh Hoa: 26 Lê Thị Riêng - ăn ngon nhưng quá to, quá mắc, ăn nửa ổ là ngán rồi 
4. Bánh mì Hoà Mã: 53 Cao Thắng - bán sáng 

Bánh mì tôi thích: là thứ bánh mì vỏ giòn ruột rỗng của ngày xưa 
1. Các cô nào gánh thùng gánh thúng ngồi đầu chợ đều bán kiểu bánh mì này 
2. Bánh mì Bảy Hổ: 23 Huỳnh Khương Ninh - bán chiều 
3. Bánh mì Bảy Quan (y chang Bảy Hổ): đầu đường Huỳnh Khương Ninh đâm ra Đinh Tiên Hoàng - bán từ 1h chiều đến 7h tối 

Và còn nhiều nữa...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đọc sách cho bé trên 1 tuổi [1]

[R] Mì - hủ tiếu - phở khô